Tác dụng của nước bọt: Hệ miễn dịch tự nhiên trong khoang miệng
Nước bọt không chỉ là chất lỏng làm ướt khoang miệng mà còn đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ sức khỏe răng miệng và cơ thể. Là tuyến đầu của hệ miễn dịch trong miệng, nước bọt góp phần duy trì sự cân bằng sinh học, hỗ trợ tiêu hóa, chống vi khuẩn và nhiều chức năng quan trọng khác. Khi hiểu đúng về vai trò của nước bọt, người đọc sẽ biết cách chăm sóc khoang miệng tốt hơn và chủ động trong việc gìn giữ sức khỏe mỗi ngày.

Nước bọt góp phần duy trì sự cân bằng sinh học, hỗ trợ tiêu hóa, chống vi khuẩn và nhiều chức năng quan trọng khác
Nước bọt là gì?
Nước bọt (còn gọi là nước miếng hay nước dãi) là chất lỏng trong suốt, hơi nhớt được tiết ra từ hệ thống tuyến nước bọt phân bố khắp khoang miệng.
Về mặt cấu tạo, nước miếng là hỗn hợp của chất nhầy, dịch tiết và enzyme có khối lượng tiết ra trung bình từ 150ml – 1300ml/ ngày, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, độ tuổi cũng như các yếu tố sinh lý – thần kinh và môi trường tác động.
Các tuyến nước bọt ở người được phân bố đều khắp niêm mạc khoang miệng bao gồm nhiều tuyến lớn nhỏ khác nhau nhưng sẽ bao gồm ba tuyến chính:
- Tuyến mang tai
Tuyến nước bọt lớn nhất nằm ở vùng trước tai và kéo dài đến góc hàm. Tuyến này tiết ra chủ yếu là nước loãng hỗ trợ quá trình nhai – nuốt. Mặc dù kích thước lớn nhưng nó chỉ chiếm khoảng 25% tổng lượng nước miếng tiết ra mỗi ngày.
- Tuyến dưới hàm
Đây là tuyến lớn thứ hai nằm dưới xương hàm dưới. Trong điều kiện bình thường, tuyến dưới hàm tiết ra từ 60 – 70% tổng lượng nước bọt không kích thích. Khi có tác động (như mùi vị thức ăn), lượng tiết từ tuyến này giảm nhường vai trò tiết chủ yếu cho tuyến mang tai.
- Tuyến dưới lưỡi
Tuyến này nhỏ nhất trong ba tuyến lớn, nằm dưới sàn miệng và gồm nhiều tuyến nhỏ hợp lại. Chúng tiết ra nước miếng có tính chất hỗn hợp (gồm cả dịch nhầy và dịch loãng), góp phần duy trì độ ẩm, bảo vệ niêm mạc vùng lưỡi và sàn miệng.
Thành phần của nước bọt trong khoang miệng
Thành phần nước bọt
Về mặt tỷ lệ, nước bọt bao gồm khoảng 99,4 – 99,5% là nước và 0,5 – 0,6% là các chất rắn. Tuy nhiên, phần nhỏ này chứa đựng nhiều hợp chất sinh học thiết yếu.

Nước miếng bao gồm khoảng 99,4 – 99,5% là nước và 0,5 – 0,6% là các chất rắn
Thành phần | Các hợp chất | Đặc điểm |
Nước | Là môi trường dung môi chủ yếu giúp hòa tan các hợp chất và hỗ trợ quá trình vận chuyển enzyme, ion, protein… | |
Thành phần vô cơ (electrolytes và ion) | Natri (Na⁺), Cl⁻ | Có nồng độ thấp hơn huyết tương. |
Kali (K⁺) | Cao hơn huyết tương, giúp duy trì điện thế màng và hoạt động của tế bào biểu mô miệng. | |
Bicarbonat (HCO₃⁻) | Trung hòa axit, điều chỉnh pH khoang miệng, bảo vệ men răng khỏi sự ăn mòn. | |
Canxi (Ca²⁺), Photphat (PO₄³⁻) | Tham gia vào quá trình tái khoáng men răng. | |
Iot, Magie | Nồng độ thay đổi tùy theo chế độ ăn và sinh lý từng người. | |
Thành phần hữu cơ
Bao gồm các chất chuyển hóa nhỏ và hợp chất sinh học: |
Ure, acid uric, acid amin tự do, glucose, lactic, acid béo | Tham gia chuyển hóa hoặc phản ánh tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe toàn thân. |
Chất nhầy (mucins) | Là glycoprotein có tính nhớt cao, giúp bôi trơn khoang miệng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nuốt và nói. | |
Opiorphin | Chất tự nhiên có tác dụng giảm đau. | |
Haptocorrin | Protein bảo vệ vitamin B12 khỏi sự phân hủy trong môi trường axit của dạ dày. | |
Enzyme tiêu hóa | α-amylase (ptyalin) | Phân giải tinh bột thành đường maltose ngay khi thức ăn còn trong miệng. Enzyme này hoạt động tốt nhất ở pH trung tính (7,4). |
Lipase | Phân giải lipid, hoạt động mạnh hơn khi vào môi trường axit của dạ dày. | |
Kallikrein | Tạo ra bradykinin – một chất giãn mạch, hỗ trợ lưu thông máu trong khoang miệng. | |
Enzyme và hợp chất kháng khuẩn | Lysozyme, lactoperoxidase | Tiêu diệt hoặc ức chế vi khuẩn. |
Lactoferrin | Liên kết với sắt để ức chế vi khuẩn sinh sôi. | |
Thiocyanate, hydrogen peroxide, immunoglobulin A (IgA): | Tạo nên hàng rào miễn dịch ban đầu tại khoang miệng. | |
Protein giàu proline |
|
|
Tế bào và vi sinh vật | 8 triệu tế bào người
500 triệu vi khuẩn/ml |
Dù là thành phần thường bị bỏ qua, sự hiện diện của vi sinh vật và tế bào bong tróc từ niêm mạc cũng phản ánh tình trạng sinh học khoang miệng. Một số sản phẩm chuyển hóa từ vi khuẩn (amin, axit hữu cơ, hợp chất chứa lưu huỳnh) chính là nguyên nhân gây hôi miệng. |
Nước bọt có vi khuẩn không?
Trong nước bọt luôn tồn tại một lượng lớn vi khuẩn, đây là điều bình thường và phản ánh đặc điểm sinh lý tự nhiên của khoang miệng. Trung bình, 1ml nước bọt có thể chứa đến 500 triệu vi khuẩn với hàng trăm loài khác nhau, đa phần là vi khuẩn thường trú không gây bệnh.
Mặt lợi
Nhiều loài vi khuẩn đóng vai trò như một phần của hệ vi sinh vật miệng ổn định. Chúng cạnh tranh không gian sống với vi khuẩn gây bệnh, hỗ trợ duy trì cân bằng sinh thái và tham gia vào một số quá trình trao đổi sinh học có lợi.

Nhiều loài vi khuẩn hỗ trợ duy trì cân bằng sinh thái và tham gia vào một số quá trình trao đổi sinh học có lợi
Mặt hại
Khi mất cân bằng vi sinh, các vi khuẩn thường trú có thể chuyển sang gây hại, tạo điều kiện cho:
- Sâu răng (do vi khuẩn sinh acid làm mòn men răng).
- Viêm lợi, viêm nha chu.
- Hơi thở có mùi hôi.
- Nhiễm trùng lan rộng sau các thủ thuật nha khoa nếu không được kiểm soát vô khuẩn.
Vi khuẩn trong nước bọt có thể trở nên nguy hiểm trong các trường hợp sau:
- Hệ miễn dịch suy giảm (người bệnh nặng, ung thư, tiểu đường, HIV/AIDS…).
- Suy giảm tiết nước bọt (khô miệng kéo dài, do thuốc hoặc rối loạn).
- Vệ sinh răng miệng kém, tạo mảng bám, ổ viêm.
- Can thiệp nha khoa không đảm bảo vô khuẩn dẫn đến lây nhiễm vi khuẩn vào máu hoặc mô mềm.
- Lây lan vi khuẩn qua nước miếng trong các hành vi tiếp xúc gần (hôn, dùng chung đồ ăn, bàn chải…), đặc biệt với vi khuẩn gây sâu răng hoặc Helicobacter pylori (liên quan đến viêm loét dạ dày).
Tác dụng của nước bọt
Nước bọt đóng vai trò quan trọng trong duy trì cân bằng sinh học và hỗ trợ chức năng thiết yếu của cơ thể.
Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn, nguyên Chủ nhiệm khoa Đông y – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chia sẻ:
“Từ xa xưa, các thầy thuốc dân gian đã xem nước bọt và máu là ‘anh em’ trong cơ thể, cùng đến từ một nguồn gốc. Những thay đổi của nước bọt được cho là dấu hiệu cảnh báo tình trạng sức khỏe của người bệnh.”
Dược sĩ Trần Xuân Thuyết, nguyên cán bộ Công ty Dược phẩm Trung ương 1, cũng nhấn mạnh vai trò sinh học quan trọng của nước bọt:
“Nước bọt là chất tiết nhờn trong, đôi khi có bọt do các tuyến nước bọt sản sinh vào khoang miệng. Công dụng chính là hỗ trợ nhai, tiêu hóa ban đầu và điều hòa độ acid trong khoang miệng nhằm giảm nguy cơ sâu răng”
Như vậy, theo quan điểm y học cổ truyền lẫn khoa học hiện đại thì nước bọt phản ánh tình trạng nội môi và sức khỏe tổng quát của con người.
Hỗ trợ tiêu hóa sớm
Nước bọt chứa nhiều enzyme tiêu hóa. Đặc biệt là alpha-amylase giúp phân giải tinh bột thành đường đơn ngay từ khoang miệng. Ngoài ra, lipase hỗ trợ phân giải chất béo trong môi trường dạ dày sau khi nuốt thức ăn.
Chất bôi trơn tự nhiên
Thành phần chất nhầy (mucin) giúp bao phủ, làm trơn bề mặt thức ăn. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình nhai, nuốt và vận chuyển thức ăn qua thực quản.
Bảo vệ khoang miệng
Nước bọt có chức năng như một dung dịch “tẩy rửa sinh học”, làm sạch khoang miệng nhờ khả năng cuốn trôi mảnh vụn thức ăn, tế bào chết và vi khuẩn. Đồng thời, các enzyme kháng khuẩn như lysozyme, lactoperoxidase và hợp chất thiocyanate giúp kiểm soát sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh.
Cân bằng pH – Chống sâu răng
Hệ đệm bicarbonat có khả năng trung hòa acid do vi khuẩn sinh ra sau ăn giúp duy trì môi trường pH ổn định trong miệng (khoảng 6,7). Điều này đóng vai trò quan trọng trong ngăn ngừa sâu răng và mòn men răng.

Hệ đệm bicarbonat giúp duy trì môi trường pH ổn định trong miệng
Cầm máu tại chỗ
Nước bọt có chứa một số yếu tố hỗ trợ quá trình đông máu tại chỗ khi niêm mạc miệng bị tổn thương như sau khi nhổ răng hoặc va chạm cơ học.
Tăng cảm giác ngon miệng
Nước bọt giúp pha loãng các vị đậm đặc (chua, ngọt, mặn, đắng), điều hòa cảm nhận vị giác và tạo môi trường thích hợp để kích thích cảm giác thèm ăn.
Chống vi nấm và vi khuẩn
Nhiều hợp chất có đặc tính kháng khuẩn và kháng nấm, góp phần bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh xâm nhập qua đường miệng như nấm Candida, vi khuẩn gây viêm họng, viêm nướu…
Tham gia vào hoạt động nội tiết và sinh lý
Nước bọt chứa một số hormone sinh dục như testosterone, oestrogen và progesterone góp phần vào việc điều chỉnh sinh lý cơ thể, thậm chí ảnh hưởng đến sự hấp dẫn giới tính và cảm xúc.
Cách tối ưu tác dụng của tuyến nước bọt
Chức năng của tuyến nước bọt có thể bị ảnh hưởng bởi lối sống, chế độ ăn uống hoặc các yếu tố bệnh lý. Do đó, việc duy trì hoạt động ổn định và tăng cường tiết nước bọt là cần thiết.
Thói quen giúp tuyến nước bọt hoạt động tốt
Một số thói quen hàng ngày có thể duy trì hoạt động ổn định và hiệu quả của tuyến nước bọt:
- Uống đủ nước mỗi ngày (1,5 – 2 lít) tránh tình trạng khô miệng.
- Nhai kỹ khi ăn các loại thực phẩm thô, giúp kích thích tuyến nước bọt tiết enzim và chất nhầy.
- Giữ vệ sinh khoang miệng tốt, tránh tình trạng viêm nhiễm hoặc tổn thương các tuyến tiết.
Cách tăng tiết nước bọt tự nhiên
Các biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả trong việc kích thích tuyến nước bọt bao gồm:
- Nhai kẹo cao su không đường: Việc nhai liên tục giúp kích thích tiết nước miếng, cải thiện độ ẩm trong khoang miệng.
- Massage: Xoa nhẹ vùng dưới mang tai, dưới cằm và bên trong má để tăng lưu lượng máu, hỗ trợ tiết dịch.
- Súc miệng bằng nước muối sinh lý: Giúp làm sạch khoang miệng và khơi thông các tuyến tiết.
Thực phẩm và lối sống hỗ trợ tuyến nước bọt
Việc lựa chọn thực phẩm đúng cách cũng góp phần kích thích hoạt động tuyến nước bọt:
- Rau củ quả giòn (cà rốt, táo, cần tây…) giúp tăng cường phản xạ nhai, từ đó kích thích tiết nước miếng.
- Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như quả mọng, rau xanh đậm, trà xanh… giúp bảo vệ cấu trúc tuyến tiết khỏi tổn thương tế bào.
- Tránh hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, cà phê quá mức vì các chất này có thể gây co mạch và ức chế hoạt động tiết dịch.
- Ngủ đủ giấc, kiểm soát căng thẳng bởi stress kéo dài có thể làm suy giảm chức năng nội tiết bao gồm cả tuyến nước bọt.

Ngủ đủ giấc, kiểm soát căng thẳng để hỗ trợ tuyến nước bọt khỏe mạnh
Lưu ý khi nước bọt có lẫn máu
Nước miếng có máu là một dấu hiệu bất thường, có thể liên quan đến nhiều tình trạng bệnh lý như:
- Viêm nướu: Chảy máu khi đánh răng hoặc ăn nhai là dấu hiệu sớm.
- Viêm nha chu: Gây tổn thương mô liên kết quanh răng, dễ dẫn đến tụt lợi và chảy máu kéo dài.
- Loét niêm mạc miệng, u tuyến nước bọt hoặc nhiễm trùng vùng họng – amidan cũng có thể khiến nước bọt lẫn máu.
Trường hợp này không nên chủ quan, cần theo dõi thêm các triệu chứng đi kèm như hôi miệng, sưng đau, lở loét dai dẳng để đến khám kịp thời.
Nên khám nha khoa định kỳ
Khám nha khoa 6 tháng/lần giúp:
- Phát hiện sớm các rối loạn tuyến nước bọt như viêm tuyến, tắc ống tuyến hoặc u lành – ác tính.
- Đánh giá tổng thể sức khỏe răng miệng, phòng tránh sâu răng, viêm nướu, viêm nha chu – các nguyên nhân ảnh hưởng gián tiếp đến chất lượng và lượng nước bọt.
- Tư vấn cách chăm sóc khoang miệng đúng cách, phù hợp với tình trạng cá nhân.
Nước bọt đóng vai trò then chốt trong sức khỏe răng miệng và hệ tiêu hóa, đồng thời phản ánh tình trạng cơ thể. Việc chăm sóc và duy trì chức năng tuyến nước bọt giúp phòng ngừa nhiều bệnh lý, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hotline: 0976 654 560
Email: [email protected]
Địa chỉ: Số 104, ngõ 54 Lê Quang Đạo, Phú Đô, Nam Từ Liêm, Hà Nội